‘Tước quốc tịch’ – nỗi lo của người nhập cư

Mấy hôm nay truyền thông Mỹ xôn xao về một sự việc chưa từng có tiền lệ: ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, đòi thu hồi quyền công dân (tước quốc tịch) bà Rosie O’Donnell, một nữ nghệ sĩ hài có tên tuổi, sau khi bà lên tiếng chỉ trích đạo luật “To, Đẹp” (Big Beautiful Bill) mà ông vừa ký ban hành.

21:55 17/07/2025

“Tước quốc tịch” bỗng dưng trở thành một biện pháp trừng phạt chính trị, gây lo âu khắp các cộng đồng người nhập cư, kể cả các cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

“Vì Rosie O’Donnell không phải là lợi ích tốt nhất của đất nước vĩ đại của chúng ta, tôi đang xem xét nghiêm túc việc tước quốc tịch của bà ta,” ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Bảy. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nói rằng tổng thống không thể đơn phương hủy tư cách công dân Mỹ của một người sinh ra tại New York như bà O’Donnell vì quyền có quốc tịch theo nơi sinh của bà được Tu Chính Án Thứ 14 bảo vệ.

tuoc quoc tich 2

Chính quyền Donald Trump đang đẩy mạnh việc “tước quốc tịch” như một biện pháp trừng phạt những cá nhân bị cho là vi phạm pháp luật hoặc bất đồng chính kiến. 

Trước đó ông Trump và những người ủng hộ ông trong phong trào MAGA nhiều lần tỏ ý định muốn tước quốc tịch và trục xuất ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới, sau khi quan hệ Trump-Musk xấu đi vì ông Musk lên án gay gắt dự luật “To, Đẹp” của ông Trump. Khác với bà O’Donnell, ông Musk sinh trưởng ở Nam Phi và là công dân nhập tịch Mỹ (naturalized US citizen), do đó ông có thể bị tước quốc tịch nếu chính quyền có bằng chứng rằng ông chủ các tập đoàn Tesla, SpaceX đã gian dối trong quá trình định cư và nhập tịch trước đây.

Những sự việc như vậy báo hiệu một xu hướng chính quyền Trump đang đẩy mạnh việc “tước quốc tịch” (denaturalization) như một biện pháp trừng phạt những cá nhân bị cho là vi phạm pháp luật hoặc bất đồng chính kiến. Vì chính quyền không thể trục xuất công dân Mỹ nên việc đầu tiên là phải tước quốc tịch của họ rồi mới đuổi họ ra khỏi nước Mỹ được.

Chỉ thị đáng lo của Bộ Tư Pháp

Trong một sự kiện liên quan nhưng ít được chú ý, ngày 11 Tháng Sáu, Bộ Tư Pháp đã gửi một chỉ thị nội bộ (memorandum) cho tất cả nhân viên Bộ Phận Dân Sự (Civil Division) nêu ra năm ưu tiên thực thi pháp luật “nhằm xúc tiến các mục tiêu chính sách của chính phủ.”

Đáng chú ý là Mục 5 của chỉ thị, tiêu đề  “Ưu tiên tước quốc tịch” (Prioritizing Denaturalization), xác định “Bộ Tư Pháp có thể khởi xướng các thủ tục dân sự để thu hồi quyền công dân Hoa Kỳ của một người nếu cá nhân đó có được quyền nhập tịch bất hợp pháp hoặc có được quyền nhập tịch bằng cách che giấu sự thật quan trọng hoặc cố ý trình bày sai sự thật.”

Mục 5 của chỉ thị nêu ra 10 trường hợp sẽ xem xét để tước quốc tịch của một công dân Mỹ; gồm có:

1. Những công dân nhập tịch (naturalized US citizens) có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, bao gồm những kẻ có liên quan đến khủng bố, gián điệp hoặc xuất cảng trái phép từ Hoa Kỳ hàng hóa, công nghệ hoặc thông tin nhạy cảm gây lo ngại về an ninh quốc gia;

2. Những công dân nhập tịch từng tham gia tra tấn, tội ác chiến tranh hoặc các hành vi vi phạm nhân quyền khác;

3. Những công dân nhập tịch tham gia thúc đẩy hoặc tiếp tay cho hoạt động phi pháp của các băng nhóm tội phạm, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và các băng đảng ma túy;

4. Những công dân nhập tịch phạm trọng tội mà không khai báo trong quá trình nhập tịch;

5. Những công dân nhập tịch phạm tội buôn người, tội phạm tình dục hoặc tội phạm bạo lực;

6. Những công dân nhập tịch tham gia vào các hình thức gian lận tài chính (kể cả gian lận cho vay Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương (“PPP”) và gian lận bảo hiểm y tế Medicaid/Medicare);

7. Những công dân nhập tịch có hành vi gian lận gây hại cho cá nhân, quỹ hoặc tập đoàn tư nhân;

8. Những công dân nhập tịch thông qua tham nhũng, gian lận của chính phủ hoặc khai man về hồ sơ tài liệu, chưa được đề cập trong các hạng mục ưu tiên khác;

9. Những công dân nhập tịch liên quan đến các cáo buộc hình sự đang chờ xử lý, nếu các cáo buộc đó không phù hợp với một trong các ưu tiên khác; và

10. Bất kỳ vụ án nào khác được chuyển đến Bộ Phận Dân Sự mà bộ phận này xác định là đủ quan trọng để theo đuổi.

“Tước quốc tịch” không mới

Thật ra, chính sách “tước quốc tịch” người vi phạm pháp luật hoặc man khai trong quá trình nhập tịch không mới mà đã được chính phủ Mỹ thi hành từ lâu. Trong thời kỳ Nỗi Sợ Đỏ (Red Scare), khi Cộng Sản Liên Xô đặt ra mối đe dọa sinh tử cho chủ nghĩa tư bản, chính phủ Mỹ đã nhắm mục tiêu vào những người bị tình nghi là Cộng Sản hoặc phát xít. Theo một số tài liệu, trong 50 năm từ 1917 đến 1967 có đến 22,000 người Mỹ nhập tịch bị tước quốc tịch và trục xuất.

Tình hình thay đổi từ năm 1967 khi Tối Cao Pháp Viện cho rằng chính phủ không thể tước quốc tịch mà không có sự đồng ý của công dân, ngoại trừ trường hợp gian lận. Từ đó đến năm 2013 chỉ có 150 người bị tước quốc tịch và trục xuất, đa số là tội phạm chiến tranh đã che giấu quá khứ và man khai lý lịch.

Khi ông Trump lên cầm quyền năm 2017, lo ngại người da trắng bị di dân da màu “thay thế,” ông đã cho thành lập lực lượng đặc nhiệm “tước quốc tịch” (denaturalization task force) năm 2018, sau đó nâng cấp thành một bộ phận thường trực trong Bộ Tư Pháp, chuyên điều tra, xét xử và thu hồi quyền công dân, nhắm mục tiêu vào những người đã nhập tịch Mỹ mà vi phạm luật pháp nghiêm trọng, những người xâm hại tình dục, tội phạm chiến tranh và hoạt động khủng bố.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính phủ đã thuê mướn hàng chục luật sư di trú, điều tra, xem xét khoảng 700,000 trường hợp, dự tính tước quốc tịch 1,600 người nhưng theo tài liệu của Giáo Sư Irina Manta, chuyên gia luật di trú của đại học Hofstra University, trong bốn năm 2017-2021, chỉ có 168 trường hợp bị tước quốc tịch theo phán quyết của tòa liên bang, bình quân 42 trường hợp mỗi năm.

Chính quyền Joe Biden tiếp tục tước quốc tịch 64 trường hợp, bình quân 16 trường hợp mỗi năm. Đa số các trường hợp này là những người man khai lý lịch khi nộp hồ sơ xin quy chế thường trú nhân (thẻ xanh) và nhập tịch, như che giấu tội lỗi trong quá khứ, sử dụng nhân thân của người khác và bị phát hiện qua việc đối chiếu dấu vân tay trong tàng thư của cơ quan công quyền.

Trong ngày đầu tiên nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp số 14173 thúc đẩy việc truy lùng, bắt giam và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp trên khắp nước Mỹ và chỉ đạo hoạt động điều tra, xem xét và tước quốc tịch mà chỉ thị của Bộ Tư Pháp thượng dẫn là một minh chứng.

Nhưng mở rộng và mơ hồ

So với các trường hợp trong quá khứ vốn nhấn mạnh vào việc loại trừ các mối đe dọa an ninh quốc gia, chỉ thị của Bộ Tư Pháp đã mở rộng phạm vi đáng kể các hành vi bị xem xét tước quốc tịch và nhấn mạnh các công tố viên “phải ưu tiên và theo đuổi tối đa các vụ xem xét tước quốc tịch trong tất cả mọi trường hợp mà luật pháp cho phép và có bằng chứng hỗ trợ.”

Trong 10 “tiêu chuẩn” ưu tiên được nêu trong chỉ thị thượng dẫn, các điểm từ 1 đến 5 tương đối dễ hiểu, dễ tán thành vì đây là những trường hợp trọng tội rõ ràng, nếu có đủ bằng chứng thì có thể truy tố trước pháp luật và tiến hành tước quốc tịch trục xuất về nguyên quán. Nhưng các điểm từ 8 đến 10 khá mơ hồ và bao quát một phạm vi rộng. Với các điểm này thì mọi người Mỹ sinh ra ở nước ngoài đều có thể là tội phạm tiềm năng.

Một ví dụ, một công dân nhập tịch, do tuổi tác, do trình độ ngôn ngữ hạn chế, đã khai báo không chính xác về thu nhập hoặc tài sản trong đơn xin bảo hiểm y tế Medicaid (Ở California là Medi-Cal); nếu cho rằng đây là hành vi “gian lận” và thu hồi quyền công dân của người đó theo điểm số 6 thì không hợp lý.

Một ví dụ khác, trong quá trình hợp tác làm ăn đã có không ít những trường hợp đối tác, bạn bè gạt nhau, xù nợ, chiếm dụng vốn liếng v.v. lẽ ra đây là hành vi dân sự, phải bồi thường, và nếu nghiêm trọng thì có thể bị xử tù, nhưng sẽ là quá đáng nếu cho rằng cá nhân đó “có hành vi gian lận gây hại cho cá nhân, quỹ hoặc tập đoàn tư nhân” như điểm số 7 trong chỉ thị.

Điểm số 8 đề ra tội “khai man hồ sơ tài liệu” (material misrepresentations) nhưng cụ thể thế nào; các hồ sơ xin thẻ xanh, xin nhập tịch viết không đúng họ tên hoặc sai sót trong bản dịch tài liệu sang tiếng Anh… có bị coi là “khai man” hay không? Bị thu hồi tư cách công dân, tước quốc tịch chỉ vì những sai sót như vậy quả là oan uổng!

Các chuyên gia pháp lý còn lưu ý một sự khác biệt quan trọng là quy trình “tước quốc tịch” được thực hiện qua các vụ án dân sự, trong đó người bị xét xử không có cơ hội có luật sư biện hộ, không được bồi thẩm đoàn (jury) xét xử mà chỉ theo quyết định của chánh án, yêu cầu về bằng chứng không cao (chỉ cần có bằng chứng rõ ràng và tin cậy được, khác với vụ án hình sự trong đó bằng chứng phải “không thể nghi ngờ”) và không có thời hiệu, nghĩa là chính quyền có thể truy cứu những trường hợp đã nhập tịch rất nhiều chục năm về trước.

Hiện nước Mỹ có 24.5 triệu người là công dân nhập tịch. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc quy định quá rộng rãi và mơ hồ các “tội danh” để tước quốc tịch của hàng triệu người này đang tạo ra nỗi lo sợ trong các cộng đồng di dân. Nó cũng tạo ra một xã hội có hai “kiểu” công dân Mỹ: những người Mỹ có quyền công dân theo nơi sinh (birthright citizenship) không phải lo lắng chuyện mất quốc tịch và những người Mỹ nhập tịch suốt đời nơm nớp lo sợ bị tước quốc tịch vì một lỗi lầm nào đó trong quá khứ hàng chục năm về trước. Nỗi sợ hãi đó đang cản trở công cuộc hội nhập của người di dân nhằm tiến tới một xã hội bình đẳng, tự do và bác ái.

Trong một án lệ năm 1967, Tối Cao Pháp Viện khẳng định một nguyên tắc Hiến Pháp rằng, quyền công dân là quyền căn bản không thể bị tước bỏ tùy tiện, không cho phép “một nhóm công dân tạm thời cầm quyền có thể tước bỏ quyền công dân của một nhóm công dân khác.” Theo án lệ này, biện pháp “tước quốc tịch” như một hình thức trừng phạt của chính quyền Trump chắc chắn sẽ bị thách thức ở tòa án.

Hiếu Chân/Người Việt

Tags:
Người Mỹ không thể nghỉ hưu vì con 'mãi chưa trưởng thành'

Người Mỹ không thể nghỉ hưu vì con 'mãi chưa trưởng thành'

Trong khi bạn bè đi du lịch, bà Lucy, 66 tuổi, không dám ra khỏi nhà bởi cần tiết kiệm tiền nuôi con gái 27 tuổi sống cùng nhà.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất